Ngày 15.1, tại Hà Nội diễn ra cuộc họp bàn về cách xử lý việc xây dựng, tu bổ trái luật tại khu vực chùa Hương, H.Mỹ Đức, Hà Nội.
Tham dự gồm đại diện Sở VH-TT Hà Nội, Cục Di sản và Thanh tra Bộ VH-TT-DL, đại diện H.Mỹ Đức và một số nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, sư thầy Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương, đã không đến dù được mời. Hai sai phạm mới được phát hiện tại chùa Hương là tòa Hương Nghiêm pháp đường xây dựng không phép, tu bổ tháp chuông chùa Thiên Trù (thuộc cụm danh thắng chùa Hương) không đúng thỏa thuận được mổ xẻ trong cuộc họp này.
Các nhà khoa học đề nghị đập bỏ những con thú này - Ảnh: Quế Nguyễn
Không phù hợp là phải thay hoặc đập bỏ
Về việc tu bổ gác chuông, Phòng Quản lý di sản thuộc Sở VH-TT Hà Nội cho rằng một số cấu kiện mới của gác chuông đã được sơn bằng sơn PU không phù hợp. Một số cấu kiện cũ khác đã mục ruỗng không thể sử dụng được. Chân tảng cũ cũng đã bị sứt vỡ. “Tôi đề nghị bỏ hoàn toàn phần sơn không phù hợp với kiến trúc này, trả lại màu gỗ tự nhiên. Phần chân tảng mới đề nghị được sửa theo mô típ hoa sen truyền thống”, ông Ngọc Long - đại diện Phòng Quản lý di sản - đề nghị. Các cấu kiện cũng được đề nghị xem xét nếu không dùng được sẽ tiêu hủy đúng quy trình, còn lại đưa vào phòng truyền thống trưng bày. Đơn vị này cũng đề nghị xem xét trách nhiệm cá nhân ở địa phương.
Trong khi đó, đề nghị của Ban Quản lý (BQL) di tích danh thắng Hà Nội lại tập trung vào sai phạm ở tòa nhà xây không phép Hương Nghiêm pháp đường. Với tòa nhà này, BQL đề xuất phải giảm bớt diện tích sân lát đá bằng cách trồng cây. Một số con thú (gắn ở những chỗ thoát nước), lan can với họa tiết không phù hợp được yêu cầu thiết kế lại. Các tháp đá mô phỏng được bày và gắn xung quanh tòa nhà phải bỏ đi. Công trình này cũng được yêu cầu thay đổi màu sơn, từ vàng và đỏ nâu đậm chuyển thành màu ghi để giảm độ nặng của nó trong không gian.
PGS-TS Phạm Mai Hùng, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, cũng đồng ý với việc loại bỏ hoàn toàn các con thú đá tại kiến trúc Hương Nghiêm pháp đường. “Những con thú này lặp lại giống với loại thú tôi thấy ở mộ ông vua triều Minh, Trung Quốc. Nó cho thấy người làm không hiểu mấy về kiến trúc Việt. Các tháp đá để dày đặc và không phù hợp cũng nên bỏ”, ông nói.
GS Trần Lâm Biền cho rằng cần phải thay các mảng chạm trên chân tảng gác chuông. Về các tháp nhỏ được đặt ở Hương Nghiêm pháp đường, ông Biền nói cần phải bỏ đi vì đây là tháp Bích Chi, đặt tháp dưới chân một khu nhà ăn như vậy theo ông không hợp với giáo lý nhà Phật. Về các con thú gắn máng nước, theo ông Biền, nên bỏ đi hết.
Các đề xuất của nhà nghiên cứu và quản lý dường như khá trùng hợp. Ông Trần Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản, đồng ý với hầu hết các ý kiến trên. Ông cho rằng nhiều yếu tố kiến trúc tại hai công trình sai phạm mang yếu tố ngoại lai. Chỉ may mắn là các sai phạm này tuy có ảnh hưởng tới kiến trúc, môi trường, song chưa chạm tới trục văn hóa của di tích.
Kiểm điểm cá nhân, trách nhiệm địa phương
Tại hội nghị, PGS-TS Phạm Mai Hùng nói nhiều về các vi phạm nhiều lần tại chùa Hương. Năm 2011, người ta đã xây hai cái tháp mới ở chùa Thiên Trù. Rồi giờ đến Hương Nghiêm pháp đường. Các công trình này không cùng hệ thống, chúng mọc lên đối lập nhau. “Trong một diện tích không rộng, mà vi phạm rất dày. Chúng ta thực sự đã có lỗi vì nhiều năm để công trình bị xâm hại, cả về kiến trúc lẫn môi trường. Chứng tỏ luật di sản trong chừng mực nào đó chưa đi vào đời sống công dân”, ông nói.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội lại nói về việc cần nâng cao quản lý nhà nước với các di tích. Trước đây, trên địa bàn Hà Nội, chùa Tảo Sách cũng đã làm sai phép. Chính vì thế, vị đại diện này cho biết việc xây dựng hiện vẫn “treo” thanh quyết toán và hoàn công. “Phải làm rõ trách nhiệm về quá trình đầu tư”, vị đại diện nói. Bà Khánh, đại diện Ban Tôn giáo TP cũng lên tiếng cảnh báo về các công trình tôn giáo sai phạm trên địa bàn Hà Nội. Nó cho thấy việc quản lý xây dựng, tu bổ chưa chặt chẽ.
Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho rằng từ nay đến mùa lễ hội chùa Hương không còn lâu nữa. Vì thế, điều gì làm được ngay thì phải làm luôn. H.Mỹ Đức khẩn trương chủ trì phối hợp để lập phương án “phẫu thuật” các kiến trúc sai phạm này.