Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

Làn nước trong xanh quyến rũ của Cù Lao Chàm

Cách phố cổ Hội An gần một tiếng đi tàu hoặc 15 phút chạy cano, đảo xanh Cù Lao Chàm hấp dẫn du khách bởi những bãi biển nước xanh trong vắt, cuộc sống giản dị và món cua đá ngon hảo hạng.

Tàu ra đảo Cù Lao Chàm bắt đầu chạy vào lúc 8h sáng, khi đã đông khách. Vì thế, khi đã ăn sáng xong, du khách du lịch Quảng Nam Đà Nẵng nên chọn một chỗ có bóng mát, ngả lưng để chuyến hành trình một tiếng đồng hồ không bị quá nóng vì cái nắng gắt mùa hè. Ra đảo chơi 2 ngày 1 đêm thì nên đi tàu, vì sáng 8h đi ra đảo mà tàu về là 13h chiều. Còn nếu bạn định ra đảo chơi trong ngày hãy chọn cách đi bằng cano. Mất 15 phút đi, có thể bắt đầu khởi hành từ bất cứ lúc nào và trở về với chuyến muộn nhất lúc 5h chiều. Giá đi tàu là 30.000 đồng/lượt còn cano là 150.000 đồng/lượt.


Sau một giấc ngủ ngắn, đảo Cù Lao Chàm đã xuất hiện ở xa xa. Tàu thuyền tấp nập, nước biển xanh biếc trong vắt in nền trời xanh thẳm và ánh nắng chói chang. Háo hức, ai cũng muốn xuống ngay đảo, nhảy ngay xuống biển mà tắm cho thỏa. Nhưng phải vào làng tìm chỗ nghỉ và cất đống đồ đạc trước đã.

Bãi Làng nằm ngay gần cầu cảng với những ngôi nhà ven biển, nép mình dưới bóng mát của những cây mận (quả roi) sai trĩu cành. Tìm chỗ nghỉ không khó vì hầu như nhà nào cũng có dịch vụ homestay. Giá cả khoảng 50.000 đồng/người trở lên. Dịch vụ ngủ còn đi kèm với ăn uống. Nên bạn có thể nhờ gia đình chủ nhà đi chợ hay tự tay ra chợ mua hải sản về nhờ họ làm. Chợ Tân Hiệp nằm ngay ngoài cầu cảng, bán đủ các món hải sản ngon lành. Một điều thú vị khi đi chợ là bạn không nên mang theo túi nilon, người dân Cù Lao Chàm với ý thức bảo vệ vùng biển đã nói không với túi nilon từ vài năm nay. Vì thế, hãy mượn chủ nhà chiếc làn, xách làn đi chợ.

Trời buổi trưa rất nắng nên có muốn ra biển cũng phải tầm 3h trở đi mới được. Giờ du khách tour Hà Nội Đà Nẵng 4 ngày 3 đêm có thể tranh thủ ngả lưng dưới tán cây xanh trong vườn nhà, đung đưa chiếc võng. Một dịch vụ khác mà các nhà nghỉ kiêm luôn là chở tàu đưa khách đi lặn ngắm san hô ngoài biển. Nếu thu xếp được đủ người với mức giá hợp lý, bạn nên đi một chuyến.


Để khám phá hòn đảo, không gì bằng sắm một chiếc xe máy, xếp đủ thứ lỉnh kỉnh như nước, đồ ăn nhẹ cùng đồ bơi, mũ kính… rồi cứ thế lòng vòng theo con đường nhỏ lắt léo quanh đảo mà chơi, mà bơi. Con đường nhỏ ấy dẫn bạn đến với chùa Hải Tượng, ngôi chùa có tuổi đời gần 500 năm nằm giữa những cánh đồng xanh, rồi xe len lỏi đến Bãi Ông, Bãi Hương, nơi bạn thỏa thích đắm mình trong làn nước trong xanh quyến rũ chẳng muốn về cho đến tận khi ông mặt trời tắt nắng.

Ốc vú nàng và cua đá là hai món phải có trong bữa ăn của bạn khi đến Cù Lao Chàm. Đó là hai món hải sản ngon nổi tiếng của đảo. Nếu bạn thích có thể ngồi trên bậc thềm ăn tối, hay đã hơn thì mang cả ra ngoài biển vừa ngồi vừa đón gió mát lồng lộng, vừa lắng nghe tiếng sóng biển ầm ào vang vọng. Đêm Cù Lao Chàm đầy sao giăng, gió lộng và tiếng sóng vỗ về.

Ở Cù Lao Chàm không có những khách sạn nhiều sao, không có những quán hàng cao sang nhưng vô cùng hấp dẫn với cuộc sống yên bình giản dị, những bãi biển tuyệt đẹp và tấm lòng hồn hậu của những người dân biển chất phác.

Hương vị dân dã rất riêng của pizza Đà Lạt

Đà Lạt vốn được người Pháp khai phá, do vậy không khó hiểu khi ẩm thực thành phố ngàn hoa ít nhiều ảnh hưởng hương vị của ẩm thực phương Tây. Bánh tráng nướng là một trong những món quà vặt hấp dẫn đó.

Tuy nhiên, người Đà Lạt đã khéo léo kết hợp thêm nguyên liệu bản địa để biến món ăn dân dã này trở thành những chiếc pizza thơm ngon, mang hương vị riêng của xứ sở ngàn hoa.


Gọi là pizza Đà Lạt bởi lẽ, thoạt nhìn hình thức, nguyên liệu phủ trên bánh tráng trông khá giống với những chiếc pizza. Chính chiếc bánh tráng ở phần đế đã tạo nên sự khác biệt mang tên pizza Đà Lạt, du khách tour Nha Trang Đà Lạt chỉ ăn một lần rồi nhớ mãi.

Bánh tráng nướng không thể tìm thấy trong các nhà hàng sang trọng, mà chỉ khi dạo bước trên các hẻm nhỏ, chợ đêm, những cung đường dốc se lạnh quanh năm mới có thể tìm ăn món ngon này. Hình ảnh quen thuộc là bếp than hồng nghi ngút khói, những vị trứng gà, trứng cút và chỉ hương thơm thoảng trong gió lạnh thôi đã khiến nhiều du khách phải dừng chân nếm thử.

Bánh tráng nướng chỉ gồm các nguyên liệu quen thuộc như hành phi, hành lá, sa tế, mắm ruốc, thịt băm, phô mai, thịt bò khô, trứng gà hoặc trứng cút. Và không thể thiếu là những chiếc bánh tráng được chọn lựa kỹ càng, phải tròn nguyên không quá mỏng nhưng cũng không quá dày. Như vậy, khi nướng bánh mới không bị rách và chín đều.

Có nhiều hương vị khác nhau để thực khách lựa chọn: trứng gà, trứng cút, phô mai, thịt bò khô, thập cẩm

Cách chế biến cũng khá đơn giản. Bánh tráng được đặt trên bếp than hồng, khi bánh vừa nóng tới, đập vỡ trứng gà hoặc trứng cút trộn đều với hành lá và thịt băm rồi dùng cọ quét đều bề mặt chiếc bánh tráng. Khi bánh ngả vàng chín tới, rải thêm một ít thịt bò khô và gia vị lên bề mặt bánh, tùy theo yêu cầu của khách mà có thể cuộn tròn hoặc để nguyên cái cho ra dĩa.


Thực khách do vậy có thể cắt thành từng miếng nhỏ như pizza hay để nguyên cả cuộn ấm nóng, thơm nức, vừa ăn vừa xuýt xoa. Đặc biệt, món ăn hấp dẫn này phải ăn cùng tương ớt mới đúng điệu.

 Chỉ cần đợi 3-5 phút, thực khách du lịch hè 2018 đã có trên tay chiếc bánh nóng hổi, thơm nồng. Sức hấp dẫn khó cưỡng của bánh tráng nướng Đà Lạt là sự quyện hòa vị ngọt của trứng, thơm béo của hành phi, đậm đà của mắm ruốc, giòn tan của bánh tráng.

Không giống những món ăn khác có thể thưởng thức ở mọi thời điểm trong ngày, món ăn xứ lạnh này chỉ được bán từ 3 giờ chiều trở về đêm, khi gió lạnh ùa về, sương giăng kín phố hương vị bánh càng trở nên hấp dẫn.

Thường mỗi chiếc bánh tráng nướng có giá dao động trong khoảng 8.000 – 14.000 đồng/cái, tùy yêu cầu của thực khách có thêm trứng, phô mai hay thịt bò.

Giữa cái lạnh Đà Lạt, phải chăng một vài phút ngồi sát bếp lửa hồng đợi bánh ấy là thời gian để người ta tạm quên đi những lo toan thường nhật cùng chuyện trò, quan tâm tới nhau. Và có lẽ, chính chiếc bánh tráng nướng ấm nóng ấy đã khiến con người ta trở nên gần gũi, yêu thương hơn.

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

Những màu sắc hấp dẫn của bát bánh đa cua đất Cảng

Mùa hè, bánh đa cua Hải Phòng khéo léo gọi mời thực khách bằng màu xanh mát mắt của rau muống đầm xanh và giòn…

Đúng là nói không ngoa khi Hải Phòng được ví là đất của món bánh đa cua với đủ loại từ bánh đa trắng, đến bánh đa nâu màu mật đường…


Bánh đa cua ở Hải Phòng có hai loại: bánh đa cua bể và bánh đa cua đồng. Bánh đa cua bể có phần sang trọng hơn khi ngoài gạch cua, trong bát còn có thêm phần thịt cua bể trắng phau, xào quyện hành khô thơm phức. Nước dùng cũng được chế từ cua bể ninh, cùng xương heo hầm kĩ nên ngọt ngào, đậm đà vô cùng. Nhưng bánh đa cua đồng có vẻ quen thuộc với số đông hơn cả.

Bát canh bánh đa cua bể, về cơ bản, món bánh đa cua này cũng có nguyên liệu giống như bánh đa cua đồng. Tuy nhiên, điểm lôi cuốn thực khách chính là phần thịt cua bể trắng phau được xào chung với hành khô thơm phức.

Những chú cua bể được "tuyển” rất kỹ, toàn bộ là cua thịt, mang về rửa thật sạch, luộc chín để gỡ thịt. Nước dùng được chế thêm xương heo hầm kỹ cho ngọt nước. Bát bánh đa cua bể ít đính kèm các thức ăn thêm khác, nhằm tôn vị ngọt đậm đà của thịt cua.

Muốn nồi canh cua thơm ngọt, người ta thường chọn cua cái, chắc nhỏ, lượng gạch vàng au. Những cũng có người thích chọn con cua đực, tuy bị suy giảm chút gạch béo song vị ngọt đậm của canh dường như lại tăng thêm đôi phần.

Một bát bánh đa cua ngon, thường mang những màu sắc rất hấp dẫn của gạch cua đồng, màu nâu của bánh đa, màu xanh thậm của chả lá lốt, xanh tươi của hành lá hòa quyện với sắc đỏ của ớt và vàng rộm của hành phi.

So với bánh đa cua bể, bát bánh đa cua đồng phong phú hơn hẳn về mặt nguyên liệu. Ngoài từng miếng gạch cua hồng xốp, bát bánh đa còn là sự tổng hòa các loại chả cá, chả tròn, chả lá lốt, tôm bỏ vỏ rang săn, thịt thăn lợn trần ăn kèm với rau muống chẻ, rau nhút, rau cần... Thập cẩm nguyên liệu tạo ra một bát bánh đa có màu sắc rực rỡ với màu xanh của rau cỏ, màu đỏ hồng của tôm rang, thịt thăn, tảng gạch cua nâu nâu, màu trắng của giá tươi, màu vàng của bánh đa, chả cá, hành khô...


Bánh đa trong bát bánh đa cua Hải Phòng là loại bánh đa đỏ đặc trưng rất nổi tiếng: bánh đa Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân, Hải Phòng). Nhiều nơi ở Hải Phòng làm bánh đa sợi, nhưng có tiếng nhất phải là bánh đa khu Dư Hàng Kênh và bánh đa chợ Hỗ.

Có lẽ, chỉ có ở Hải Phòng, người ta mới được thưởng thức bát bánh đa tươi, thứ bánh đa khi thả vào bát canh cua phải mềm mịn mà dẻo dai, không bở bục hay trương nhũn. Còn thứ bánh đa đã xuất đi các xứ khác là bánh đa khô, dù có bảo quản được dài lâu hơn nhưng đã ít nhiều mất đi cái vị mặn mòi của biển cả.

Xứ cảng mặn mòi có một món ăn mà không ở đâu, không một nơi nào có hương vị đặc trưng như chính tại Hải Phòng, ấy là bánh đa cua. Món ăn thấm đầy hương vị biển cả, hội tụ đầy màu sắc đã khiến cho bao thực khách đã ăn rồi nhưng nhắc đến vẫn cứ thòm thèm.

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2018

Chuột đồng - Sản vật thơm ngon dân dã của miền Tây

Đồng bằng sông Cửu Long – xưa nay vẫn nổi tiếng với những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Không chỉ cung cấp lúa gạo dồi dào, đưa ĐBSCL trở thành một trong hai vựa lúa lớn nhất cả nước, từ xa xưa những cánh đồng nơi đây còn đem đến cho con người một sản vật thơm ngon dân dã. Cho đến ngày nay, thịt chuột đồng đã đi vào thực đơn đặc sản của những nhà hàng sang trọng và trở thành một món ăn khoái khẩu của mọi du khách du lịch sông nước miền Tây.


Chuột đồng sống ở bờ kênh, đìa, trong đồng ruộng, ăn lúa, khoai và các loại lương thực thực phẩm khác nên thịt đặc biệt thơm ngon. Trong khi vấn đề dư lượng thuốc tăng trọng ở gia súc, gia cầm đang khiến các bà nội trợ lo ngại thì món thịt chuột từ tự nhiên đã trở thành một lựa chọn hay được nhắc đến.

Thịt chuột thường được dùng với cơm và phải ăn nóng mới thấy được hết hương vị thơm ngon của món đặc sản này. Món chuột đồng xuất thân từ dân dã, cho nên thưởng thức chuột đồng ngon nhất là ở những không gian thoáng mát, dưới bóng cây nơi làng quê yên bình. Gắp một miếng chuột đồng kèm theo một ít rau sống, tùy theo món mà chấm mắm ngon dằm ớt hay muối tiêu chanh, thêm một miếng cơm, tất cả hương vị tinh túy từ cánh đồng lúa chín trĩu bông như hòa quyện lại vào đây, làm thích thú cả những vị thực khách khó tính nhất.

Bà con ta thường tổ chức những cuộc săn chuột theo mùa, khởi đầu mùa săn bắt chuột là giữa vụ lúa, cây lúa làm đòng, rồi đến lúa ngậm sữa và đến khi lúa trổ đều, chín vàng, thu hoạch… Những thời điểm này chuột tăng trưởng nhanh… vì có nhiều thức ăn như cua ốc, tép, cá, cây lúa non rồi hạt lúa chín rơi vãi trên đồng, nên con nào con nấy béo mập, no tròn, thịt mềm và nhiều mỡ.

Nếu như trước đây, dân quê chỉ bắt chuột về xào hoặc chiên giòn, thì giờ đây chuột đồng, qua bàn tay vén khéo của người nội trợ trở thành nhiều món ăn nhớ đời cho bất cứ ai đã từng một lần được thưởng thức và leo lên bàn nhậu trong nhiều nhà hàng sang trọng với nhiều món: chuột xào lá cách, xào củ hành, nướng ngũ vị hương, khìa nước dừa, xối mỡ, chiên nước mắm, rô ti, nướng sả, quay lu cho đến nấu cơm mẻ và khô chuột nướng lửa hồng… để nhậu với bia ướp lạnh.


Làm sao quên được cái ngon giòn của những miếng chuột rôti ăn với rau sống; vị bùi béo chuột kho nước dừa; sự mềm mại của món chuột khìa; “quen thuộc” với món chuột xé phay; lạ miệng là món chuột “ngào bà” (chuột băm nhuyễn xào, xúc bánh tráng); hấp dẫn với chuột nhúng lẩu cơm mẻ…

Bên cạnh các món ngon từ thịt chuột đó, người nội trợ ở đồng đất miền Tây Nam Bộ còn nghĩ ra món ngon độc đáo đó là chuột xào kiệu, cùng với hành tây, gốc hành lá, nấm rơm và rau cần tàu, người ta có một món ngon nhớ mãi. Gắp một miếng chuột cho vào miệng, nhai, nghe những sớ thịt chuột mềm trong răng và mỡ của nó tươm tràn trên mặt lưỡi. Cái vị ngọt béo, thơm của thịt chuột chưa kịp tan hết trong miệng, gắp vài ba củ kiệu, chấm tương ớt, sẽ nghe mùi hăng nồng đặc trưng của kiệu hòa trong mùi hăng nồng của hành tây và rễ hành lá.


Chuột xào kiệu, cùng với các món khác từ chuột, là những món ăn ngon, hấp dẫn và nổi tiếng, trở thành đặc sản của vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là những món ngon mộc mạc, chơn chất của ruộng đồng, ngoài việc bổ dưỡng còn giúp thực khách chữa được một số bệnh như hen suyễn, tê bại…

Từ những món đơn giản đến phức tạp, từ nhà ra quán, từ bình dân đến cao cấp, hương thơm và mùi vị của miếng chuột đồng đã làm biết bao thế hệ say mê. Không chỉ dừng lại ở cư dân miệt vườn sông nước, đặc sản chuột đồng ngày càng được giới thiệu rộng rãi cho bạn bè gần xa, trong nước và quốc tế và để lại những ấn tượng khó phai cho những ai đã từng một lần thưởng thức.

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2018

Vị sần sạt giòn tan độc đáo của bún giấm nuốc

Nuốc là tên gọi theo phương ngữ về con nuốt - một loài nhuyễn thể không chân chỉ có nhiều vào mùa hè nơi vùng đầm phá nước lợ ở Huế.

Bún giấm nuốc là một món ăn rất Huế. Vào mùa hè, nhất định bạn phải thử khi có dịp ghé qua  du lịch Lăng Cô Huế.

Nuốc là tên gọi theo phương ngữ về con nuốt - một loài nhuyễn thể không chân chỉ có nhiều vào mùa hè nơi vùng đầm phá nước lợ ở Huế. Nuốt cùng họ với sứa nhưng nhỏ chỉ bằng khoảng nửa trái chanh.


Vào mùa hè, nuốt thường nổi thành từng mảng dày, ngư dân vớt lên, ngâm vào nước và bán nhiều ở các chợ. Nuốt được chia làm hai phần gồm tai và chân. Phần tai rất thích hợp để kẹp rau sống chấm ruốc hoặc làm gỏi. Nhưng đặc sắc phải kể đến chân nuốt, giòn giòn, sần sật - làm nên linh hồn của món trứ danh: Bún giấm nuốc.

Nuốt chân mua về ngâm trong nước lạnh và lá ổi để tạo độ giòn. Lúc gần ăn, vớt ra để ráo, càng ráo càng ngon. Món bún giấm nuốc ngon nhờ vào phần nước lèo. Phần nước này được làm nên từ những con tôm tươi nhảy tanh tách, bóc vỏ, bỏ đầu, chừa đuôi cho đẹp mắt. Nêm nếm đầy đủ gia vị cho thấm. Thịt ba rọi cắt miếng nhỏ vừa ăn, ướp gia vị. Phi dầu với hành cho thơm, gia thêm tí ớt bột, xào thấm tôm thịt. Riu riu trong lửa nhỏ chừng 10 phút cho tôm thịt thấm rồi châm thêm nước dùng xăm xắp.

Nêm nước dùng hơi thấm tháp rồi cho cà chua bi vào, sôi vài dạo tắt bếp. Màu cam từ gạch tôm hòa với màu đỏ của cà chua tạo nên một hỗn hợp nước lèo sanh sánh, thấm thía rất riêng. Rau sống ăn kèm gồm một vài loại rau thơm và đặc biệt phải có bắp chuối sứ trắng bào nhuyễn. Ngoài ra, còn phải chuẩn bị thêm đậu phụng rang vàng giã dập, bánh tráng mè nướng, mắm ruốc nêm nếm cho bớt mặn, thêm vài trái ớt xanh mới thật đúng điệu.

Lấy một cái tô be bé, cho rau sống vào trước tiên, bún tươi cọng nhỏ, chan nước lèo xăm xắp, cho ít hành ngò, rải đậu phụng rang vàng, nêm tí ruốc, chút ớt sa tế và trên cùng, đừng quên cho vào dăm bảy chân nuốt. Món bún ấm nóng, thơm nồng mùi rau thơm, ngọt đậm đà của nước lèo tôm tươi hòa quyện cái beo béo của bánh tránh, đậu phụng, đặc biệt vị ngọt giòn tan của những con nuốt sần sật trong miệng hứa hẹn sẽ là món khó quên.


Du lịch hè 2018 có thể mua nuốt về làm ở nhà. Hoặc nếu đến Huế, ngang qua chợ Đông Ba, xuôi về phía cầu Gia Hội, rẽ qua Chi Lăng, quán ở đó, đợi bạn vào những buổi chiều từ khoảng 2 giờ.

Trong cái nắng oi nồng của tiết trời hạ, món bún giấm nuốc tựa như là thứ đặc sản dành riêng cho mảnh đất Cố Đô.

Rau sống ăn kèm gồm một vài loại rau thơm và đặc biệt phải có bắp chuối sứ trắng bào nhuyễn

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2018

Chả dông - Đậm đà bản sắc ẩm thực xứ Nẫu

Một đĩa chả dông ngon đi kèm với bát nước chấm thơm lừng là lựa chọn thú vị cho hành trình khám phá ẩm thực Phú Yên.

Ẩm thực Phú Yên có sự giao thoa giữa các vùng khác nhau, hòa quyện với hương vị địa phương tạo nên những món ăn khó quên trong lòng du khách tour Phú Yên Quy Nhơn. Nhắc đến ẩm thực Phú Yên, chả dông dường như đã thành “thương hiệu” của mảnh đất này.


Nhìn từ bên ngoài, món ăn này cũng giống như các loại chả khác với màu vàng ươm đặc trưng. Điều đặc biệt là thay vì nhân thịt lợn hay thịt bò, người dân địa phương ở đây lấy thịt từ con dông, trông tựa như rắn mối hay kỳ nhông, làm nguyên liệu chính.

Người dân Phú Yên bắt dông trên những cồn cát có cỏ ven biển. Thông thường có hai phương pháp chính là đào cát và câu. Những người đi bắt dông phải dùng cuốc xẻng để đào tới tận cùng của hang mới bắt được. Cách thứ hai đơn giản hơn, người đi câu chỉ cần đặt bẫy trước hang và chờ dông đi ra ngoài kiếm ăn. Trung bình một ngày, những người đi bắt dông thu được vài chục con.

Một chủ quán ở Phú Yên chia sẻ, hè là mùa thích hợp nhất để thưởng thức món này vì dông nhiều và thịt thơm ngon. Dông được lột da, lấy thịt làm sạch, chặt đuôi và bốn chân. Sau đó, người đầu bếp sẽ băm nhuyễn và trộn với các gia vị như ớt bột, hành tiêu. Muốn món chả dông ngon và có mùi vì đặc trưng, người dân nơi đây thường trộn thêm với nấm mèo và bách thảo, cuốn trong bánh tráng rồi bỏ vào chảo dầu rán.

Thực khách sẽ cảm nhận được vị giòn tan và mùi thơm của miếng chả dông khi thưởng thức. Vì dông được bắt ngoài tự nhiên nên thịt chắc, không có nhiều mỡ và có mùi thơm đặc trưng. Mùi vị của dông hòa quyện với các hương liệu và gia vị, như sự pha trộn của biển với núi rừng. Chả dông thường được ăn kèm với các loại rau sống và dưa chuột để át đi vị ngậy của dầu mỡ. 


Du khách tour hè 2018 có thể thưởng thức chả dông như những món ăn vặt hàng ngày. Các quán chả dông rất dễ tìm ở thành phố Tuy Hòa. Bên vỉa hè, hay trong thực đơn của những nhà hàng lớn cũng đều có món ăn này. Nổi tiếng nhất là khu vực ngã tư Trần Quý Cáp và Nguyễn Công Trứ với những cửa hàng chả dông gia truyền và có tiếng. Giá một đĩa chả dông thường dao động 30.000 - 35.000 đồng.

Món này cũng được dùng trong các bữa cơm gia đình. Khách phương xa tới Phú Yên thường được gia chủ thiết đãi món chả dông và nhâm nhi chén rượu như một lời chào đón nồng hậu.

Nếu du khách có dịp đi ngang qua mảnh đất Phú Yên đầy nắng gió, đừng quên dừng chân ở Tuy Hòa và tìm ăn chả dông - món ngon dân dã đậm đà làm nên bản sắc của "xứ Nẫu".