Đọc thêm: Tour du lich Ha Giang
Đền Cây Quế tọa lạc trên một khu đất rộng ở tỉnh Nam Định với các hạng mục kiến trúc: nghi môn, sân ngoài, động sơn trang, công trình kiến trúc chính của đền và sân trong.Công trình kiến trúc chính của đền được xây dựng theo kiểu chữ Tam gồm các hạng mục: Tiền đường, trung đường và cung cấm. Mặc dù đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo song các hạng mục kiến trúc của đền vẫn được bảo lưu nhiều cấu kiện kiến trúc bằng gỗ và hệ thống hiện vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật như: bài vị, câu đối, đại tự, bia đá, chuông đồng. Đặc biệt đền Cây Quế còn lưu giữ nhiều mảng chạm khắc đã góp phần tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho công trình kiến trúc. Các họa tiết trang trí tại đền được thể hiện trên các cấu kiện như: hệ thống bảy tiền, bảy hậu của tòa tiền đường với các đề tài “tứ linh, tứ quý”, trên đường bờ nóc tòa tiền đường với họa tiết “lưỡng long chầu nguyệt”, kìm nóc với hoạt tiết “long cuốn thủy” và bậc thềm lên xuống là đôi rồng được chạm khắc bằng đá xanh khá sinh động.
Đền Cây Quế là nơi thờ phụng đức thánh Linh Lang đại vương, thần tích về ngài rất đa dạng với 88 văn bản về Linh Lang: Thái Bình 11 bản, Hà Nội 8 bản, Hà Tây 25 bản, Hà Nam 19 bản, Nam Định 6 bản, Hải Dương 2 bản, Bắc Ninh 1 bản, Phúc Yên 2 bản, Bắc Giang 1 bản, Phú Thọ 5 bản, Thanh Hóa 3 bản, Hưng Yên 5 bản. Từ vị thần trị thủy ở vùng đất Hà Nội, quyền năng thiêng liêng của đức thánh Linh Lang trong tâm thức dân gian ngày càng được mở rộng theo bước chân những người khai phá vùng châu thổ sông Hồng, để rồi trở thành vị thần trị thủy phổ biến ở vùng đất này. Chính vì vậy đền thờ Ngài luôn được xây dựng ở nơi gần nhánh những con sông, với chức năng tiêu thoát nước. Bên cạnh thờ đức thánh Linh Lang đại vương, đền Cây Quế còn phối thờ các vị thần: Bố Cái đại vương, Bạch Hạc đại vương và Sơn Dược đại vương.
Hàng năm, tại đền Cây Quế diễn ra một số kỳ lễ với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc. Trong số đó tiêu biểu nhất là kỳ lễ trọng diễn ra vào ngày 22 tháng Tám âm lịch với nhiều nghi thức phong phú như: dâng hương, lễ, tế, đặc biệt là nghi thức “rước nước” rất độc đáo. Có thể nói những lễ hội truyền thống ở đây không chỉ thể hiện ước vọng của người dân cầu cho mưa thuận, gió hòa, tri ân công đức của Linh Lang đại vương mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian đặc sắc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét