Hàng năm, thành phố Nha Trang thu hút rất đông khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng. Ngoài những thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển dài với cát trắng tuyệt đẹp, các hòn đảo nổi tiếng như Hòn Tre, Hòn Tằm với đủ các trò chơi trên biển, khu nghỉ dưỡng Vinpearland, vịnh Vũng Rô, bãi dài Cam Ranh... Nha Trang còn có rất nhiều điểm đến văn hóa và lịch sử nằm ngay trong thành phố.
Tọa lạc trên mặt bằng rộng 4.500m², trên Hòn Một, mặt sân nhà thờ ở độ cao 12m so với mặt bằng thành phố, đỉnh tháp chuông nhà thờ cao 32m so với mặt sân, Nhà thờ đá Nha Trang là địa điểm thu hút rất nhiều du khách, các nhà quay phim và nhiếp ảnh trong, ngoài nước. Tên chính thức của nhà thờ là Nhà thờ Chánh tòa Kito Vua, nhưng thường được người dân trong vùng nhắc đến với các tên gọi giản dị là nhà thờ đá, nhà thờ Nha Trang, nhà thờ Ngã Sáu. Phổ biến hơn cả vẫn là tên gọi Nhà thờ Núi. Nhà thờ là một trong những nét kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách Pháp.
Mặt trước nhà thờ Núi
Với tư tưởng truyền bá lối sống cao đẹp của Công giáo tại Nha Trang, vị linh mục Hội Thừa Sai Pháp (MEP) Louis Vallet (1869 - 1945) đã dành tâm huyết của ông để xây dựng nhà thờ. Trước đó, vị linh mục này đã hoàn thành việc xây dựng Ngày 3 tháng 9 năm 1928, Nhà thờ được khởi công xây dựng trên một mỏm núi nhỏ có tên là núi Bông. Cái tên nhà thờ Núi cũng do đó mà có. Điểm thú vị là để tạo mặt bằng trên đỉnh núi, người ta đã sử dụng khoảng 500 vỏ trái mìn.
Mặt hông nhà thờ Núi
Nhà thờ được xây dựng hoàn toàn theo lối kiến trúc nhờ thờ Công giáo phương Tây. Lối kiến trúc này giống với nhà thờ ở Sapa và một số địa điểm khác tại Việt Nam. Một gác chuông cao ở chính giữa có treo 3 quả chuông đồng đúc ở Pháp mang sang là điểm dễ nhận biết của các nhà thờ Công giáo phương Tây. Trên tháp chuông có gắn chiếc đồng hồ lớn, có bốn mặt quay ra bốn hướng. Khoảng năm 1969, chiếc đồng hồ bị hỏng, mãi tới năm 1978, mới được sửa chữa và chạy lại cho đến nay.
Mặt trước nhà thờ quay về hướng Bắc, có hai lối đi lên. Phía trước có 53 bậc cấp đi bộ từ đường Thái Nguyên lên, qua cổng là đến Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức, xây dựng tháng 4/1940. Lối thứ hai đi từ quảng trường cạnh ngã sáu vòng quanh phía sau lên sân nhà thờ có độ cao chừng 8m so với mặt đường phố chung quanh. Con đường này được lát đá chẻ năm 1941.
Kiến trúc tuyệt đẹp bên trong nhà thờ Núi
Đứng từ xa nhìn, rất nhiều người vẫn lầm tưởng công trình kiến trúc đồ sộ này được xây dựng hoàn toàn bằng đá chẻ, một loại vật liệu xây dựng kiên cố, có rất nhiều ở Nha Trang và khắp tỉnh Khánh Hoà. Mô hình nhà thờ này làm ta liên tưởng đến những thành quách, lâu đài ở La Mã cổ đại với vách tường xây đá trần trụi, đặc biệt là những vòm cuốn dọc hành lang hay cửa sổ lắp kính màu hoa văn trang trí rất xa lạ với kiểu thức kiến trúc phương Đông. Thực tế thì đá chẻ chỉ được dùng lát đường và sân.
Toàn bộ hệ thống trụ chịu lực được đúc bê tông cốt thép, còn những mảng tường được xây gạch thẻ, tô xi măng rồi kẻ chỉ. Một số người quan sát gần, biết tường nhà thờ không phải đá chẻ nhưng lại tưởng là xây bằng táp-lô đúc xi măng! Đặc biệt, chỉ phần mái bằng của hành lang chạy dọc hai bên được đổ bê tông cốt thép, còn toàn bộ mái vòm bê tông của nhà nguyện đều được dùng cốt tre cật và lưới thép mắt cáo. Năm 1998, khi linh mục Phê-rô Nguyễn Quang Sách xây dựng nối thêm ba phòng sinh hoạt ở phía sau đã giữ nguyên các chi tiết kiến trúc của nhà thờ, chỉ khác là tường được xây bằng táp-lô đúc xi măng và mái bê tông cốt thép.
Tính từ ngày khánh thành đến nay, nhà thờ Chánh Toà Nha Trang đã hơn 80 năm tuổi. Công trình xây dựng này vẫn vững chãi và xứng đáng là một kiến trúc hoành tráng, một thắng cảnh độc đáo của thành phố biển Nha Trang. Nhà thờ là một không gian đẹp được những nhà nhiếp ảnh và quay phim rất ưa thích. Những cặp tình nhân cũng lựa chọn nhà thờ để làm nơi chụp những tấm ảnh cưới của mình. Nhà thờ mở cửa đón khách du lich nha trang gia re tất cả các ngày trong tuần từ 8h sáng và vẫn duy trì các buổi giảng đạo vào buổi sáng và buổi chiều.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét